Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Hoàng  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

RƯỢU BIA NGÀY TẾT VÀ NHỮNG TÁC HẠI ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Đăng lúc: 15:17:58 07/01/2020 (GMT+7)
100%
Print

Còn không đầy 1 tháng nữa, Tết Nguyên đán Canh Tý sẽ về trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mọi người lại được dịp đoàn tụ với gia đình, họ hàng, gặp lại bạn bè…Trong mâm cỗ ngày Xuân, thứ đồ uống không thể thiếu là chén rượu, ly bia. Nếu uống với liều lượng vừa phải, thì chất men cũng giúp ngày Xuân thêm vui, nhưng nếu quá lạm dụng, uống với tần suất “dày đặc”, ở nhiều lúc, nhiều nơi… thì mỗi khi nâng chén chúc nhau sức khỏe, là lúc chúng ta đang tự tàn phá cơ thể mình và có thể đối mặt với tai nạn giao thông, ẩu đả do không kiềm chế được hành vi hay những căn bệnh nan y âm thầm kéo đến không hẹn trước…

 Rượu bia ngày Tết, văn hóa hay hủ tục?

Việt Nam là một trong số những quốc gia có nền văn minh lúa nước ở Đông Nam Á. Rượu trắng chưng cất từ lúa gạo được coi là vật không thể thiếu để thờ cúng Tổ tiên từ ngàn đời nay. Bởi vậy, rượu là một nét văn hóa của ngày Tết cổ truyền dân tộc. Không những thế, rượu còn là loại hình kinh tế dịch vụ quan trọng trong xã hội, nếu biết khai thác và biết sử dụng đúng cách.

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, rượu bia góp phần khiến con người gần gũi nhau hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở 1 chén, 1 ly thì quả thực, rượu bia là chất xúc tác để cuộc vui vầy thêm ấm cúng, sôi động. Nhưng viện cớ là ngày Tết, là “quy ước” cũ rích mang tính tàn dư phong kiến, mỗi khi nói về người đàn ông trên mâm rượu: “nam vô tửu như kỳ vô phong”…để rồi ép buộc, chuốc rượu nhau đến say “nghiêng trời, lệch đất”, từ nét văn hóa ẩm thực, tình trạng lạm dụng bia rượu đến mất kiểm soát dịp trước trong và sau Tết đã trở thành một hủ tục, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi.

Rượu bia bị lạm dụng quá mức trong dịp Tết chính là thủ phạm gây nên hàng loạt những sự cố đáng tiếc, trực tiếp ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe và sinh mạng con người, đã và đang gây hậu quả không nhỏ cho xã hội. Mỗi dịp Tết, các bệnh viện đều chật kín bệnh nhân. Đội ngũ y bác sỹ phải ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu giành giật mạng sống cho những nạn nhân tai nạn giao thông, ngộ độc rượu hay thương tích từ những cuộc ẩu đả do men rượu bia gây ra trong mỗi dịp Tết.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (là không kiềm chế, kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu). Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể mù mắt và tử vong cao đặc biệt khi sử dụng rượu rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.

Rượu bia dịp Tết tăng cấp độ nguy hại gấp nhiều lần so với ngày thường

Theo WHO, ở Việt Nam, tính sẵn có của bia rượu xếp vào top đầu của thế giới. Ngày thường mua rượu bia đã dễ, dịp Tết lại càng dễ dàng hơn. Từ các tiệm tạp hóa, các siêu thị cho đến các quán nhỏ ở khắp mọi ngóc ngách đều bày bán bia rượu tràn lan. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện sử dụng rượu đắt tiền có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn thực phẩm. Nhiều người, nhất là tại nông thôn, để đáp ứng nhu cầu bia rượu dịp Tết nhưng tài chính lại hạn hẹp, họ phải tiêu thụ các loại rượu rẻ tiền, kém chất lượng, thật, giả lẫn lộn... Trong đó, phần lớn là rượu được nấu thủ công và pha chế.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, rượu kém chất lượng có nhiều cách sản xuất, nhưng phổ biến nhất là nấu thủ công và pha chế. Với rượu nấu thủ công, không có các trang thiết bị hiện đại, việc loại bỏ các độc tố trong đó là điều không thể. Loại rượu này khi uống vào dễ say, thậm chí khiến người dùng tê liệt thần kinh, không còn đủ tỉnh táo để kiểm soát hành vi của mình. Nhưng rượu pha chế mới là loại nguy hiểm và tác hại nặng nề hơn rượu nấu thủ công. Trên thực tế, ở Việt Nam có rất nhiều nhà máy sản xuất cồn, hàng năm cho ra số lượng thành phẩm cực lớn. Vốn được dùng để pha chế xăng sinh học E5, nhưng khi không thể tiêu thụ hết, cồn này được mang ra ngoài thì trường bán để pha chế thành rượu. Các độc tố tồn tại trong loại cồn này rất nhiều. Bởi qua quá trình lên men, cồn công nghiệp đã tạo thành rượu etylic (rượu uống được), nhưng cũng đồng thời có hàm lượng rượu metylic và methanol rất cao.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tác hại càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể mù mắt và tử vong cao đặc biệt khi sử dụng rượu rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.

Những loại rượu đắt tiền tuy cũng được làm từ cồn, nhưng đây là các loại cồn thực phẩm có nguyên liệu từ gạo, ngô và đã được tách chất độc nên độ an toàn cao. Rượu etylic sau khi ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh thì chuyển thành nhiệt, thoát ra ngoài và không để lại di chứng. Nhưng như vậy không có nghĩa với việc khuyến khích sử dụng rượu. Bởi khi chất cồn vào trong cơ thể quá nhiều sẽ sinh ra các bệnh lý như rối loạn tâm thần – hành vi, nhiễm độc cấp, bệnh dạ dày...

Trong các cơ quan của cơ thể, cái bị ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài nhất chính là lá gan của chúng ta. Theo kết quả nghiên cứu khoa học về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe, ngay sau khi được hấp thụ vào máu, cơ thể bắt đầu tiến hành hoạt động đào thải rượu bia ra ngoài. Một phần nhỏ được thải qua tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được chuyển hóa ở gan. Tế bào gan có hệ thống men (enzyme) có nhiệm vụ chuyển hóa cồn trong rượu thành CO2 và nước, từ đó đào thải ra ngoài cơ thể. Song gan chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định mỗi giờ. Trong 3 ngày Tết, lượng rượu bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp…

Không chỉ dịp Tết, uống rượu thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan. Đối với hệ tim mạch uống rượu gây nhồi máu cơ tim, đột quy ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra uống rượu còn gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần.

Ngày Tết, uống sao cho đúng cách?

Những tác hại của rượu bia không chỉ đến từ những chủng loại bia rượu khác nhau, mà còn đến từ cách uống. Dù không dựa trên cơ sở khoa học nào, nhưng đa số người uống rượu thường rỉ tai nhau những “sáng kiến” giải rượu để uống nhiều mà không bị say, đặng chứng tỏ “bản lĩnh phải mạnh” trên bàn nhậu. Trong đó, phổ biến là kết hợp các thực phẩm với nhau, uống rượu kèm với đá lạnh, đồ chua... Nhưng PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, đó hoàn toàn là những biện pháp mang tính chất tình thế, không thể giải quyết triệt để. “Thông thường, khi uống các loại rượu mạnh có nồng độ cồn khoảng 40-45 độ, nhiều người thường để một chai nước khoáng có ga bên cạnh với mục đích làm loãng rượu, đỡ khé cổ, làm nhẹ rượu một cách giả tạo. Nhưng dù có làm loãng ra thì lượng rượu vào cơ thể vẫn không thay đổi. Từ đó rượu ngấm dần, sinh ra những độc tố tác động đến hệ thống thần kinh và trở thành chất cực độc.”

Vào dịp lễ Tết hay khi uống rượu, cách tốt nhất là mỗi người cần biết tự điều chỉnh lượng mức uống cho phù hơp, tránh tình trạng quá chén, gây mất kiểm soát. Theo các bác sỹ, khi say, nên uống một cốc nước chanh đường thật lớn, góp phần làm quá trình bài tiết diễn ra nhanh hơn, chất độc cũng nhờ thế mà được đẩy ra nhanh hơn.

Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền Canh Tý 2020 sắp tới và các ngày lễ hội đầu Xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo như sau:

Uống dưới hai đơn vị cồn /ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần. Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên. (Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén  rượu mạnh 30 ml (40%).

Ngoài ra, để vui Tết an toàn, tránh các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe cũng như tai nạn thương tích do lạm dụng rượu bia gây ra, hãy cố gắng hạn chế tối đa lượng rượu bia đưa vào cơ thể và có cách uống khoa học như: không uống khi bụng đói, ăn một ít trái cây trước khi vào bàn tiệc...

Tin khác

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
291052

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289