Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Hoàng  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

Tóm tắt Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa

Đăng lúc: 17:05:22 24/05/2024 (GMT+7)
100%
Print

 

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH THANH HÓA


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

TÓM TẮT ĐỀ ÁN

Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập

các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

(Tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri Kèm theo Kế hoạch số ....... /KH-UBND

ngày ..... tháng 5 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

 
 

 


I. LÝ DO VÀ SỰ CẦN THIẾT

1. Sự cần thiết nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa

1.1. Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố Thanh Hóa, xứng tầm vị thế, vai trò của đô thị Thanh Hóa với tỉnh Thanh Hóa và với vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ:

Thành phố Thanh Hóa vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đã có từ cách đây hơn 4.000 năm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của người Việt Cổ với những thành tựu rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn - một trong bốn nền văn hóa lớn của thời kỳ đồ đồng; được chọn là "lỵ sở"- trung tâm của tỉnh Thanh Hóa ngày nay qua nhiều thời kỳ lịch sử. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, thành phố Thanh Hóa luôn giữ vai trò trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế; đóng góp nhiều sức người, sức của cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảng bộ, quân và dân thành phố đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, lập nên nhiều chiến công vang dội, đỉnh cao là Hàm Rồng chiến thắng, bảo vệ vững chắc cầu Hàm Rồng - huyết mạch giao thông nối liền Nam Bắc, góp phần cùng với quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Thành phố Thanh Hóa thành lập năm 1994 trên cơ sở thị xã Thanh Hóa, là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội... của tỉnh Thanh Hóa. Cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, có vị trí địa lý thuận lợi, Quốc lộ 1, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt và đường sắt cao tốc (quy hoạch) Bắc - Nam chạy qua và Cảng Lễ Môn ở phía Đông, thành phố Thanh Hóa là cầu nối quan trọng giữa Bắc Bộ với Trung Bộ, đầu mối giao thương với tất cả các tỉnh trong nước; là đô thị có vị trí, vai trò quan trọng về an ninh - quốc phòng của tỉnh và của quốc gia.

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của trung ương và của tỉnh; cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra sự phát triển nhanh và toàn diện trên các tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; được công nhận là đô thị loại I năm 2014; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Đến nay, thành phố Thanh Hóa được đánh giá là một trong những thành phố hấp dẫn, năng động nhất khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng sông Hồng, cùng với thành phố Vinh và thành phố Huế là một trong 03 đô thị có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau hơn 15 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; 12 năm điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, quá trình xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa đã bộc lộ những bất cập, hạn chế trong phát triển kinh tế, sự chật hẹp về không gian đô thị, dư địa đất đai, quy mô dân số, lao động hiện nay không đáp ứng được yêu cầu phát triển, dẫn đến phải mở rộng thành phố Thanh Hóa, cụ thể: (1) Tăng trưởng kinh tế của thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chất lượng các dịch vụ còn thấp; công nghiệp phát triển chưa mạnh; (2) Kết nối hạ tầng giữa khu vực nội thành và ngoại thành, khu đô thị mới với khu đô thị cũ còn hạn chế, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao; đã xuất hiện hiện tượng quá tải đô thị; (3) Sự không cân đối giữa nội thành và ngoại thành, ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng đô thị, nhất là chức năng của khu vực ngoại thành; (4) Quỹ đất dự trữ để mở rộng và phát triển đô thị hạn chế, chưa đảm bảo được nhu cầu phát triển thành phố trong tương lai; (5) Vai trò trung tâm cấp vùng của thành phố Thanh Hóa chưa tương xứng, chưa có nhiều yếu tố nổi trội; trong khi đó đã xuất hiện nhiều yếu tố mới mang tính động lực phát triển cho thành phố như tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc (quy hoạch) là cơ sở để tính toán mở rộng không gian phát triển đô thị của thành phố Thanh Hóa về phía Tây; (6) Mở rộng thành phố Thanh Hóa nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

1.2. Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương; là xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với quá trình đô thị hóa; góp phần tinh gọn đầu mối tổ chức đơn vị hành chính:

Huyện Đông Sơn là địa phương có truyền thống lịch sử, cách mạng của tỉnh Thanh Hóa; gắn liền với nhiều lần điều chỉnh, mở rộng và là cửa ngõ, tiếp giáp về phía Tây thành phố Thanh Hóa. Địa bàn huyện có nhiều yếu tố mang tính chất động lực về giao thông, tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, phát triển đô thị, dịch vụ vận tải, logistics... Đồng thời, hiện nay, huyện Đông Sơn chưa đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo quy định nên nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa là tiền đề mở rộng phạm vi quản lý của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn; góp phần sắp xếp, tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế.

1.3. Như vậy, nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa nhằm mở rộng không gian đô thị, xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa xứng tầm đô thị loại I, trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh; trở thành một đô thị thông minh, văn minh, có bản sắc, trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ; phù hợp với truyền thống lịch sử địa phương, phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn; góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới của cả nước theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025; góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

2. Sự cần thiết thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa

Thị trấn Rừng Thông và các xã: Đông Thịnh, Hoằng Quang, Hoằng Đại nằm ở vị trí liền kề với các phường nội thành của thành phố Thanh Hóa; địa bàn các xã, thị trấn nằm trên các trục giao thông quan trọng như quốc lộ 45, quốc lộ 47, chịu sự tác động của quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh của thành phố Thanh Hóa. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của các xã, thị trấn này đã có bước phát triển mạnh mẽ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra; công tác văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao; hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, đồng bộ; không gian đô thị từng bước được hình thành trên địa bàn.

Như vậy, những thay đổi về kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hoá đã và đang đặt ra cho thị trấn Rừng Thông và các xã: Đông Thịnh, Hoằng Quang, Hoằng Đại nhiều vấn đề mới cần giải quyết như: quản lý kinh tế; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; phòng chống các tệ nạn; bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường. Vì vậy, mô hình quản lý chính quyền như hiện nay không còn phù hợp, cần thiết thành lập các phường: Rừng Thông, Đông Thịnh, Hoằng Quang, Hoằng Đại tạo tiền đề cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý cho phù hợp.

II. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH THEO ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN CỦA THÀNH PHỐ VÀ CỦA PHƯỜNG

1. Điều kiện nhập huyện và thành lập các phường

Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa bảo đảm các điều kiện quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Quy hoạch, gồm: (1) Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị được phê duyệt; (2) Bảo đảm lợi ích chung, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; (3) Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (4) Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho nhân dân; (5) Bảo đảm tiêu chuẩn của đơn vị hành chính thành phố và đơn vị hành chính phường theo quy định

2. Đánh giá hiện trạng thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn theo 05 tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Qua rà soát, đánh giá, phạm vi thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn hiện nay đã đạt các tiêu chuẩn thành phố thuộc tỉnh gồm: (1) Diện tích tự nhiên; (2) Quy mô dân số; (3) Số đơn vị hành chính trực thuộc; (4) Đã được công nhận loại đô thị; (5) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

3. Đánh giá hiện trạng thị trấn Rừng Thông và các xã: Đông Thịnh Hoằng Quang, Hoằng Đại theo 04 tiêu chuẩn thành lập phường tại Điều 8 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Qua rà soát, đánh giá, thị trấn Rừng Thông và các xã: Đông Thịnh Hoằng Quang, Hoằng Đại đã đạt các tiêu chuẩn của phường thuộc thành phố, gồm: (1) Diện tích tự nhiên; (2) Quy mô dân số; (3) Trình độ phát triển kinh tế - xã hội; (4) Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập phường.

III. PHƯƠNG ÁN NHẬP HUYỆN ĐÔNG SƠN VÀO TP. THANH HÓA VÀ THÀNH LẬP CÁC PHƯỜNG THUỘC TP. THANH HÓA

1. Phương án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa

1.1. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiênquy mô dân số của huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa thuộc tỉnh Thanh Hóa.

1.2. Tên gọi của thành phố là thành phố Thanh Hóa:

- Danh xưng Thanh Hóa đã có từ năm 1029, tên gọi của lỵ sở trước đây hay thành phố ngày nay luôn gắn liền với danh xưng của tỉnh với tên gọi Thanh Hóa nội trấn (trấn Thanh Hóa), đến năm 1889 được thành lập thành thị xã, tên gọi là Thanh Hóa, năm 1994 được thành lập thành phố, tên gọi cũng là Thanh Hóa. Tên gọi Thanh Hóa đã có từ gần 1.000 năm, xuyên suốt quá trình chia tách, mở rộng, thành lập đơn vị hành chính và trải qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, của tỉnh thì lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi.

- Tên gọi thành phố Thanh Hóa hiện nay và dự kiến đặt cho thành phố gắn với danh xưng Thanh Hóa, đến nay đã có gần 1.000 năm, là một trong những vùng đất mang đậm bản sắc của nền văn hóa Việt Nam ngàn năm văn hiến, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, địa bàn trọng yếu, "phên dậu" của đất nước; vùng đất "địa linh, nhân kiệt, "nơi khí tinh hoa tụ họp", nơi khởi nghiệp của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam như: Triều Tiền Lê, Triều Hồ, Triều Lê sơ, Lê Trung Hưng và Triều Nguyễn, là đất "thang mộc" của các chúa Trịnh, chúa Nguyễn; quê hương của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, văn nhân nổi tiếng: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ....

- Tên gọi lỵ sở - trấn thành Thanh Hóa hay thị xã Thanh Hóa trước đây và thành phố Thanh Hóa ngày nay luôn thể hiện vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là hậu phương rộng lớn, vững chắc, đóng góp sức người, sức của vào thắng lợi chung của cả nước trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho đến công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội với những thành tựu to lớn như hiện nay; đã được định vị và nhận diện rộng khắp trong nước và quốc tế; gắn liền với quá trình hội nhập, phát triển của tỉnh Thanh Hóa và thành phố Thanh Hóa.

- Thành phố Thanh Hóa có quy mô dân số gần 500.000 người, hàng nghìn doanh nghiệp đóng trên địa bàn, vì vậy, giữ tên gọi thành phố Thanh Hóa sẽ làm giảm hạn chế tác động, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân so với tên gọi khác; góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm tải áp lực giải quyết thủ tục hành chính lên cơ quan quản lý nhà nước do phải thay đổi thông tin định danh cá nhân, giấy tờ tùy thân, địa chỉ liên lạc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

- Tên gọi hiện nay phù hợp với định danh đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa trong nhiều văn bản quan trọng của trung ương và của tỉnh, như: Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (đều sử dụng tên thành phố Thanh Hóa và đô thị Thanh Hóa).

- Tên gọi thành phố Thanh Hóa đảm bảo quy định của pháp luật và thông lệ hiện nay khi nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị thì giữ nguyên tên gọi của đơn vị hành chính đô thị.

- Qua nghiên cứu, toàn quốc có 29 thành phố thuộc tỉnh trùng tên với tỉnh (58 tỉnh); riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 20 thành phố thuộc tỉnh (chiếm 68,96%) trùng tên với tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai… và chưa có thành phố thuộc tỉnh nào đổi tên trong giai đoạn gần đây.

- Sau khi nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, địa danh Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn vẫn tiếp tục được duy trì, lưu giữ, phát huy giá trị.

2. Phương án thành lập phường

Thành lập các phường Rừng Thông, Đông Thịnh, Hoằng Quang, Hoằng Đại trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Rừng Thông và các xã: Đông Thịnh, Hoằng Quang, Hoằng Đại.

3. Kết quả sau khi nhập huyện vào thành phố và thành lập phường

Thành phố Thanh Hóa47 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (đã bao gồm kết quả nhập phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn), gồm 33 phường: An Hưng, Ba Đình, Điện Biên, Đông Cương, Đông Hải, Đông Hương, Đông Lĩnh, Đông Sơn, Đông Tân, Đông Thọ, Đông Vệ, Hàm Rồng, Lam Sơn, Long Anh, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn, Quảng Cát, Quảng Đông, Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Thịnh, Tào Xuyên, Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Trường Thi, Rừng Thông, Đông Thịnh, Hoằng Quang, Hoằng Đại và 14 xã: Đông Tiến, Đông Văn, Đông Khê, Đông Vinh, Thiệu Vân, Đông Hòa, Đông Hoàng, Đông Minh, Đông Nam, Đông Ninh, Đông Phú, Đông Quang, Đông Thanh, Đông Yên.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Định hướng phát triển thành phố Thanh Hóa

Xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị lớn, thông minh, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, động lực quan trọng để tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Phát triển thành phố nhanh, bền vững trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp, nhất là dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đặt trong mối quan hệ tổng thể, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của các địa phương trong tỉnh, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.

2. Giải pháp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố Thanh Hóa

Thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thể chính trị - xã hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hướng dẫn của cơ quan ngành dọc cấp trên; nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức theo Kết luận số 1276-KL/TU ngày 20/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

3. Giải pháp bố trí, sử dụng trụ sở, công sở làm việc

- Sau khi nhập huyện, trụ sở làm việc của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thể chính trị - xã hội thành phố Thanh Hóa sử dụng trụ sở của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố Thanh Hóa hiện nay.

- Bố trí "Tổ hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính", "Bộ phận tiếp công dân", "Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai" (ngoài bộ phận bố trí ở phường Đông Hải) ở phường Rừng Thông để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao dịch hành chính.

- Nơi làm việc của các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố Thanh Hóa (sau khi nhập huyện) sử dụng trụ sở hiện nay của các đơn vị.

- Nơi làm của cơ quan, tổ chức ngành dọc đóng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa: thực hiện theo hướng dẫn, bố trí của cơ quan ngành dọc có thẩm quyền; đối với nơi làm việc không tiếp tục sử dụng, đề nghị bàn giao cho địa phương quản lý, tránh nguy cơ hư hỏng, xuống cấp, sử dụng hợp lý, tiết kiệm.

V. KẾT LUẬN

Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương; sắp xếp hợp lý nguồn lao động, tạo ra động lực cho phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng; góp phần tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; phù hợp với mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa là bước cụ thể hóa mục tiêu Quy hoạch đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, tương xứng với vị thế của thành phố Thanh Hóa - đô thị loại I, trung chính trị - hành chính của tỉnh, trung tâm kinh tế, văn hóa,  dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao của vùng Nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; đô thị chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với vùng Bắc Trung Bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước./.                                                            UBND TỈNH THANH HÓA

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
291052

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289